PHƯƠNG PHÁP CHỌN LỌC VÀ NHẬN ĐỊNH BÀI BÁO KHOA HỌC (BBKH)

I. GIỚI THIỆU

1. TẠI SAO BẠN CẦN BÀI VIẾT NÀY?

Có một sự thật rằng dù là một ngôi nhà cấp 4 hay biệt thự kiên cố đều cần được xây dựng trên nền móng kiên cố ban đầu. Tương tự như vậy, mỗi một công trình nghiên cứu cũng cần được xây dựng từ nền tảng kiến thức vững chắc. Để có được nền tảng đó, người làm nghiên cứu cần phải trải qua quá trình tích lũy kiến thức từ việc đọc tài liệu và làm nghiên cứu, nhưng đồng thời đây cũng là nơi bắt nguồn vấn đề những người mới nghiên cứu gặp phải.

Những người mới bước chân vào nghiên cứu cũng đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Chính bạn cũng có thể đăng tải, chia sẻ kiến thức riêng và mọi người đều có thể truy cập một cách miễn phí và nhanh chóng, bên cạnh lợi ích mà nó mang lại cho cộng đồng, góc tối trong việc này chính là một phần thông tin không được kiểm soát nghiêm ngặt thậm chí dễ dãi trong việc kiểm định chất lượng. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để phân biệt được đâu là tài liệu đáng tin và chất lượng?

Câu trả lời sẽ nằm trong nội dung của bài viết Phương Pháp Chọn Lọc và Nhận Định Bài Báo Khoa học này với nội dung giới thiệu các công cụ và phương pháp tốt nhất nhằm giúp bạn đọc tiết kiệm thời gian tìm kiếm vừa có được những BBKH chất lượng.


2. BẠN CÓ ĐANG HIỂU ĐÚNG VỀ NHẬN ĐỊNH BBKH?

Như cách mình đề cập đến vấn đề ở trên, việc chọn lọc và nhận định BBKH là bước cơ bản và thiết yếu cho khởi nguồn của mỗi công trình nghiên cứu. Tuy vậy, vẫn luôn tồn tại những nhận định chưa đúng về vấn đề này, trước khi đi vào tìm hiểu các công cụ được nhắc đến, hãy cùng làm rõ các vấn đề dưới đây và xem bạn có thấy mình trong những suy nghĩ dưới đấy không nhé.

                                    

Nhận định 1: BBKH là phủ định một phần công trình nghiên cứu. 

Nhận định là để kiểm định tính chính xác của công trình nghiên cứu ở cả khía cạnh khách quan (các chỉ số đánh giá bài báo, tạp chí) và khía cạnh chủ quan (đánh giá nội dung cụ thể của bài báo). Vậy nên có thể nói rằng đây là một quá trình phân tích toàn diện để người đọc có thể tìm ra được những tài liệu tham khảo hợp lí và chất lượng cho nghiên cứu của mình.


Nhận định 2: Nhận định BBKH chỉ là bước đánh giá cơ bản 

Nhận định, chọn lọc bài báo khoa học là việc yêu cầu đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu, cân nhắc nhiều yếu tố nếu muốn tìm được tài liệu chất lượng. Hãy cùng theo dõi các bài viết tiếp theo trong chuỗi bài viết về phương pháp nhận định BBKH để hiểu rõ nhé!


Nhận định 3: Việc nhận định BBKH chỉ thực hiện bởi chuyên gia

Mỗi chặng đường dài đều được bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé. Nói cách khác, ngay cả những nhà nghiên cứu gạo cội cũng phải trải qua những ngày tháng đầu tiên học cách nhận định bài báo để bắt đầu cho công trình nghiên cứu của mình. Vì thế nên việc bắt tay vào học cách nhận định bài báo là vô cùng cần thiết từ những ngày đầu làm nghiên cứu.

II. HỆ THỐNG CÁC SỐ ĐO - 

CÔNG CỤ NHẬN ĐỊNH BÀI BÁO KHOA HỌC (BBKH)


Hiện nay có rất nhiều trang web sở hữu một lượng lớn các bài báo khoa học về các lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật, Y tế, Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, ví dụ như: ISI, Google Scholar, SCImago,v.v. Ngoài ra, một số trang web còn đưa ra số đo riêng giúp người đọc có thể chọn lọc khi tìm tài liệu tham khảo. Tuy nhiên mỗi số đo đều có những ưu nhược điểm khác nhau, chính vì vậy mình xây dựng bài viết này nhằm cung cấp cái nhìn khách quan nhất về hệ thống các số đo, giúp bạn đọc hiểu rõ và cân nhắc về việc lựa chọn số đo phù hợp khi chọn lọc tài liệu tham khảo.

Sau khi tổng hợp các số đo cần đề cập, mình chia thành 3 nhóm dưới đây gồm (Hình 1):

  • Số đo để đánh giá tạp chí

  • Số đo để đánh giá tác giả

  • Số đo để đánh giá bài báo khoa học

Hình 1. Hệ thống các số đo trong nhận định BBKH

1. Số đo để đánh giá tạp chí

1.1 Impact factor - Web of Science Group

1.1.1 Định nghĩa:

Impact factor (IF) là số lần trích dẫn trung bình của những bài báo khoa học đã được công bố 2 năm trước. IF cho biết uy tín và chất lượng của tạp chí. Hệ số càng cao thì tạp chí càng có uy tín và càng khó để có bài được đăng trên tạp chí này. Một bài báo được đăng trên một tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao sẽ được đánh giá cao, dễ được đọc và được trích dẫn hơn. Một nhà khoa học đăng được bài trên tạp chí chất lượng và bài báo được trích dẫn nhiều sẽ được đánh giá cao.

Lưu ý: IF chỉ tính cho những tạp chí được liệt kê trong danh bạ ISI hay Journal Citation Report của ISI.

1.1.2 Công thức tính:

1.1.3 Các bước truy cập:

Bước 1: Truy cập website theo đường dẫn https://mjl.clarivate.com/journal-profile


Bước 2: Tra cứu theo tên đầy đủ, chỉ số ISSN, một từ trong tên của tạp chí: Tại ô “Search Journal” nhập thông tin cần tìm của tạp chí

Bước 3: Kích vào ô “Search” và kích chọn mục “View profile page” để xem giá trị IF 

     

Hình 2. Giao diện tìm kiếm của Web of Science Group
1.1.4 Ví dụ:

 Tạp chí Nature là một trong những tạp chí đa ngành uy tín bậc nhất, điều đó được thể hiện qua số IF: ~ 43

Hình 3: Kết quả IF của tạp chí Nature trên web Web of Science Group

1.1.5 Nhược điểm cần lưu ý: 

Tuy được sử dụng khá rộng rãi, những số đo này có một vài khuyết điểm sau bạn đọc cần lưu ý khi sử dụng số đo này để tham khảo:

  • IF không phân biệt được sự khác nhau giữa các ngành khoa học. Ví dụ, những ngành toán học thường có chỉ số trích dẫn thấp hơn ngành vật lý.

  • IF không thể nhận ra việc tác giả tự trích dẫn tài liệu của mình.

  • Với khoảng thời gian 2 năm là quá ngắn so với các ngành khoa học cơ bản vì các công trình nghiên cứu ở ngành này thường tốn rất nhiều thời gian.

  • Việc trung bình hóa của IF có thể dẫn đến số liệu không đáng tin cậy vì có thể với 20% trích dẫn của tập san có thể chiếm 80% tổng số trích dẫn. 

  • IF không phân biệt được những công trình nghiên cứu sai đang được trích dẫn thường xuyên để làm ví dụ.

1.2 SJR - Web SCImago

1.2.1 Định nghĩa:

Bên cạnh xếp loại dựa vào IF của ISI, trang SCImago xếp hạng chất lượng tạp chí bằng chỉ số SCImago Journal Ranking (SJR), sử dụng số lượng trích dẫn mà mỗi tạp chí nhận được và uy tín của các tạp chí trích dẫn lại tạp chí đó. Chỉ số này được SCImago phát triển từ thuật toán xếp hạng trang web của Google (Google PageRank).

Dựa trên chỉ số SJR, các tạp chí được phân thành 4 nhóm Q1, Q2, Q3, Q4 theo các đánh giá từ cao xuống thấp, trong đó Q1 bao gồm 25% các tạp chí hàng đầu. Chỉ số SJR có thể biến đổi, phụ thuộc vào kết quả đánh giá hàng năm.

1.2.2 Các bước truy cập

Bước 1: Truy cập trang web https://www.scimagojr.com/
Bước 2: Điền tên tạp chí vào ô tìm kiếm.
Kết quả tìm được như ví dụ (hình 4), giá trị SJR của tạp chí The Publications Mathématiques de l'IHÉS trong suốt giai đoạn 2007-2017 đều đạt Q1 chứng tỏ tạp chí này chất lượng và đáng tin.
Bên cạnh đó trang web còn đưa ra các dạng số liệu khác như đồ thị thể hiện sự gia tăng của giá trị SJR, lượt trích dẫn của mỗi tài liệu,.. nhưng về cơ bản đều dựa vào tổng số lượt trích dẫn của tạp chí.

Hình 4. Giá trị SJR của tạp chí The Publications Mathématiques de l'IHÉS 

1.3 H-index 

1.3.1 Định nghĩa: 

Tổng số tập san có lượt trích dẫn ngang bằng hoặc lớn lớn các bài báo được công bố, từ khi xuất bản tạp chí đến nay.

1.3.2 Ví dụ: 

Một tạp chí đã xuất bản 100 tập san từ trước cho đến nay. Nếu H-index của họ là 34 nghĩa là trong số 100 tập san trên, có 34 tập san có tổng lượt trích dẫn bằng số bài báo công bố trong đó.

1.3.3 Cách truy cập:

Bước 1: Truy cập trang web https://www.scimagojr.com/

Bước 2: Điền tên tạp chí vào ô tìm kiếm

Hình 6. Kết quả giá trị H-index

1.4 CiteScore - Web SCOPUS

1.4.1 Định nghĩa: 

Điểm số trích dẫn theo từng năm được tính dựa theo số lượng trích dẫn trong năm được xem xét (ví dụ 2018) trên tổng số tất cả bài báo được công bố trong 3 năm trước đó (ví dụ từ 2015-2017). CiteScore vì vậy mà thay đổi theo từng năm. 

1.4.2 Công thức: 

1.4.3 Các bước truy cập:

Bước 1: Truy cập https://www.scopus.com/sourceid

Bước 2: Chọn Journal đang tìm kiếm thông qua các công cụ lọc kết quả

Bước 3: Click vào tên Journal đã chọn để chuyển sang thông tin Journal. Kết quả được hiển thị tương tự như ví dụ (hình 8)

 Hình 8. Kết quả tra cứu về thông tin của một tạp chí trên Scopus 

2. Số đo để đánh giá bài báo khoa học

2.1 Citation index – Chỉ số trích dẫn

2.1.1 Định nghĩa: 

Chỉ số trích dẫn (citation index) của một bài báo là số lần bài báo này được trích dẫn, được tham khảo trong tất cả các bài báo khác. 

Chỉ số trích dẫn là một độ đo quan trọng để đánh giá sự ảnh hưởng các công trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu và là cơ sở để định nghĩa các độ đo khác cho các tạp chí và nhà khoa học (ví dụ: H-index). 

2.1.2 Có thể xem ở: Google scholar, Scopus

Hình 9. Ví dụ về bài báo đoạt giải toán học của giáo sư Ngô Bảo Châu năm 2010 đã được trích dẫn 318 lần và tổng lượt trích dẫn của ông là 1082 lần

2.2 Thời gian xuất bản

Thời gian xuất bản bài báo là một trong các yếu tố quan trọng cần lưu tâm bởi sự phát triển nhanh chóng và cập nhật liên tục của khoa học thì bạn cần phải tham khảo những nghiên cứu mới nhất, bên cạnh đó với những nghiên cứu cũ, bạn cũng nên kiểm tra liệu nghiên cứu đó có tiếp diễn và đã đưa ra kết quả khác sau đó hay không?

Hình 10. Đối với Google Scholar, bạn có thể sử dụng công cụ giới hạn thời gian

 ở cột bên trái như hình

3. Số đo đánh giá tác giả

3.1 H-index

3.1.1 Định nghĩa: 

Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần.

3.1.2 Có thể xem ở đâu: Google scholar, Scopus

3.1.3 Ví dụ: 

Giáo sư Ngô Bảo Châu có chỉ số H = 16 có nghĩa là ông có 16 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 16 lần, phản ảnh thành quả tích lũy của ông và giá trị ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu mà ông đã đóng góp.

3.1.4 Nhược điểm cần lưu ý:

  • Chỉ số H luôn luôn tăng theo thời gian, và do đó tùy thuộc vào độ tuổi của nhà nghiên cứu và thời gian làm nghiên cứu.

  • Chỉ số H không phân biệt được những nhà khoa học đã nghỉ hưu với những nhà khoa học đang làm việc. Ví dụ như nếu Albert Einstein chết vào năm 1906 thì chỉ số H của ông chỉ 4 hay 5.

  • Cũng giống như IF, chỉ số H còn tùy thuộc vào ngành khoa học. Nhìn chung các ngành khoa học tự nhiên và thực nghiệm có xu hướng công bố nhiều công trình nghiên cứu và thường hay trích dẫn nhau hơn các ngành như toán hay xã hội học.

3.2 I10-index

3.2.1 Định nghĩa

Số lượng bài báo có ít nhất 10 lượt trích dẫn được xác nhận bởi công cụ Google Scholar.

3.2.2 Có thể xem ở đâu: Google scholar

3.3 Total citations

3.3.1 Định nghĩa: 

Tổng số các lượt trích dẫn của của tất cả các bài báo mà tác giả đã công bố.

3.3.2 Có thể xem ở đâu: Scopus, Google Scholar

3.4 Các bước truy cập thông tin tác giả

3.4.1 Scopus:

Bước 1: Vào trang web https://www.scopus.com

Bước 2: Click vào “Author search” ở đầu trang bên phải

Bước 3: Tìm tên tác giả bằng cách điền tên vào ô trống hoặc điền mã số tác giả rồi bấm “Search”

3.4.2 Google Scholar:

Bước 1: Vào trang web https://scholar.google.com

Bước 2: Điền tên tác giả cần tìm vào ô tìm kiếm, bấm search

Lưu ý: Vì mỗi trang web có một khối lượng dữ liệu khác nhau nên trong nhiều trường hợp kết quả tìm kiếm cho cùng một chỉ số ở mỗi trang web mang lại kết quả khác nhau. Tuy nhiên vì chỉ mang tính chất tham khảo và tương đối nên nếu không quá chênh lệch thì không mang ý nghĩa quan trọng.

4. Tài liệu tham khảo

[1] Bas swaen (2014) How do you determine the quality of a journal article?

[2] Hill, Alison, and Claire Spittlehouse. What is critical appraisal?. Vol. 3. Hayward Medical Communications, 2001.

[3] Hồ Tú Bảo (2019) Đánh giá định lượng kết quả nghiên cứu khoa học 

[4] Thước đo năng lực nhà khoa học (2010)

[5] Nguyễn Văn Tuấn (2008) Đánh giá ảnh hưởng trong nghiên cứu khoa học qua chỉ số H

III. NHẬN ĐỊNH BÀI BÁO 

THÔNG QUA PHÂN TÍCH NỘI DUNG

Bên cạnh việc đánh giá những yếu tố khách quan của bài báo, bản thân người nghiên cứu cũng cần dành thời gian tự phân tích những nội dung bên trong bài báo. Bằng cách đọc và trả lời những câu hỏi dựa theo yêu cầu của từng phần để xác định xem bài báo có giúp người đọc trả lời câu hỏi nghiên cứu mà họ cần tìm hiểu hay không và kết quả đưa ra có ý nghĩa khoa học, đáng tin không.


Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến 2 nội dung chính:

  • Phương pháp nhận định bài báo bằng cách phân tích nội dung BBKH.

  • Phần 2 mình có đề cập đến cách kiểm tra chất lượng của thông tin bất kỳ trên mạng Internet - CRAAP.

1. Phương pháp phân tích nội dung BBKH 

1.1 Tên bài báo

Tên bài báo là thông tin cần đọc đầu tiên để xác định bài báo có hàm chứa nội dung bạn cần tìm hiểu hay không.

1.1.1 Yêu cầu cơ bản:

Không quá 20 chữ, ngắn gọn và đầy đủ thông tin về đối tượng nghiên cứu, phương pháp, tác giả thực hiện.

1.1.2 Những câu hỏi có thể đặt ra:

  • Tên bài báo đã đáp ứng yêu cầu trên chưa?

  • Đối tượng nghiên cứu là gì? 

  • Mục đích, phương pháp chính yếu? 

  • Ai thực hiện công trình nghiên cứu này?

  • Bài báo này có liên quan đến chủ đề mình tìm hiểu hay không?

1.1.3 Ví dụ về tên BBKH đã đạt các yêu cầu cơ bản

  • Bài báo: Nghiên Cứu Tận Dụng Rác Thải Nhựa Gia Công Bê Tông Làm Vật Liệu Xây Dựng (hình 1)

  • Gồm: 16 chữ

  • Trong trường hợp này, tiêu đề đã lần lượt trả lời các câu hỏi: đối tượng nghiên cứu là rác thải nhựa mà mục đích nghiên cứu để làm vật liệu xây dựng

Hình 1. Ví dụ về tên một bài báo khoa học đầy đủ các tiêu chí

1.2 Tóm tắt

Đây là nội dung quan trọng cần được đọc ngay sau tiêu đề. Phần tóm tắt có thể được coi là một phần độc lập với bài báo, chính vì vậy, phần này được yêu cầu làm sao người đọc phải có được cái nhìn tổng quan và ngắn gọn nhất về vấn đề nghiên cứu, mục đích, phương pháp cũng như kết quả của nghiên cứu đó.

1.2.1 Yêu cầu cơ bản

  • Thông thường là 100-250 từ

  • Thể hiện một cách ngắn gọn nhất về mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, thời gian, số liệu dùng cho nghiên cứu, kết quả tác giả mới tìm ra, và kết luận


1.2.2 Những câu hỏi có thể đặt ra

  • Phần tóm tắt đã đạt được những yêu cầu cơ bản trên chưa?

  • Tại sao tác giả thực hiện nghiên cứu này?

  • Phương pháp nghiên cứu tác giả dùng là gì?

  • Họ tiến hành thí nghiệm trong bao lâu?

  • Kết quả họ đạt được là gì?

  • Nghiên cứu có hướng mở rộng và mang tính kế thừa không?

1.2.3 Ví dụ về phần tóm tắt đã đạt các yêu cầu cơ bản

  • Số lượng chữ: 192 chữ

  • Vấn đề đặt ra: “Lượng bao bì nhựa thải lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”

  • Mục tiêu nghiên cứu: “Tận dụng lượng rác thải nhựa để sản xuất bê tông làm vật liệu xây dựng, hạn chế lượng nhựa thải đem đi chôn lấp”

  • Phương pháp nghiên cứu: “Các mẫu cấp phối bê tông với nguyên liệu xi măng, cát, nước và nhựa được chuẩn bị để thử nghiệm, trong đó thành phần nhựa được đưa vào để thay thế cho thành phần cát”

  • Kết quả nghiên cứu: “Các mẫu cấp phối bê tông thử nghiệm đã xác định được tỷ lệ nhựa thay thế cát tối ưu trong khoảng từ 5 - 30% nhựa. Tỷ lệ này sẽ giúp tăng mà không ảnh hưởng đến cường độ chịu nén của mẫu bê tông”

  • Mở rộng/ vấn đề tồn đọng: “Quá trình gia công nhựa tốn chi phí sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, vì vậy cần nghiên cứu thêm những phương pháp giúp giảm chi phí gia công mẫu”

Hình 2. Phần tóm tắt của bài báo

1.3. Giới thiệu

1.3.1 Yêu cầu cơ bản

Thường nói về cơ sở, lý do, tầm quan trọng của mà vấn đề tác giả muốn nghiên cứu và cấu trúc của bài báo. Quan trọng nhất là tác giả phải nêu rõ được câu hỏi nghiên cứu của mình.

1.3.2 Những câu hỏi có thể đặt ra

  • Tầm quan trọng của mục tiêu nghiên cứu là gì?

  • Cấu trúc của bài báo sẽ như thế nào?

  • Câu hỏi nghiên cứu của tác giả là gì?

1.3.3 Ví dụ về phần giới thiệu đã đạt các yêu cầu cơ bản

Theo hình 3, tầm quan trọng của mục tiêu nghiên cứu: ô nhiễm môi trường từ vật liệu nhựa dẫn đến nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng, mặc dù đã có các nghiên cứu trước đó nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để, chính vì vậy nghiên cứu này nên được tiến hành với câu hỏi nghiên cứu là làm sao để “xử lý hoàn toàn lượng plastic đã thải ra môi trường”.

Hình 3. Phần giới thiệu của bài báo

1.4 Phương pháp nghiên cứu

1.4.1 Yêu cầu cơ bản

Phần này đề cập đến các phương pháp được sử dụng để giải quyết các vấn đề đã đặt ra ở trên. Tùy từng công trình, mục tiêu, lĩnh vực nghiên cứu để chọn cho phù hợp và số liệu/dữ liệu nào. 

1.4.2 Những câu hỏi có thể được đặt ra

  • Phương pháp được sử dụng là gì để giải quyết vấn đề đặt ra?

  • Việc sử dụng phương pháp này có hợp lý không?

  • Quy trình thí nghiệm có điểm nào đáng nghi không?

  • Dữ liệu được thu thập như thế nào?

1.4.3 Ví dụ về phần phương pháp đã đạt các yêu cầu cơ bản

Theo hình 4, sơ đồ tiến hành thí nghiệm của nghiên cứu, song song với các công đoạn là những phương pháp thí nghiệm sau:

  1. Chuẩn bị nguyên liệu nhựa 

  2. Xác định cấp phối cho mẫu thí nghiệm 

  3. Đúc và bảo dưỡng mẫu cấp phối 

  4. Xác định cường độ chịu nén của mẫu

Các phương pháp và công thức đều được tham khảo từ các nguồn đáng tin như Tiêu chuẩn Quốc gia 3121:2003- phương pháp đo cường độ chịu nén của mẫu hay theo Bộ Xây dựng (2007) - các yếu tố tạo nên cường độ của vật liệu,..

Hình 4. Sơ đồ thí nghiệm

1.5 Kết quả 

1.5.1 Yêu cầu cơ bản

 Ở phần này người đọc có thể tìm thấy kết quả dữ liệu phân tích thô, bảng biểu phải được trình bày một cách rõ ràng, hợp lí, đại diện cho một phần kết quả. 

1.5.2 Những câu hỏi có thể được đặt ra

  • Phát hiện của các tác giả là gì, có phù hợp với câu hỏi nghiên cứu?

  • Kết luận được rút ra từ các thí nghiệm và số liệu có hợp lý không?

  • Số liệu trình bày có logic và dễ hiểu không và bạn có thể truy cập vào dữ liệu không?

1.5.3 Ví dụ về phần kết quả đã đạt các yêu cầu cơ bản

Theo hình 5, kết quả đưa ra ở dạng biểu đồ, dựa vào đây bạn đọc có thể thấy được sự biến động của cường độ chịu nén theo phần trăm nhựa được cấp phối. Kết luận đưa ra phù hợp với số liệu thu được. Kết quả được trình bày rõ ràng và dễ hiểu.

Hình 5. Kết quả nghiên cứu

1.6 Kết luận

1.6.1 Yêu cầu cơ bản

Phần kết luận là tổng lược kết quả nghiên cứu, nêu bật ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu, ứng dụng của chúng vào thực tế cuộc sống, chỉ ra những gì đã chưa làm được, thèm theo đó là định hướng cho các nghiên cứu tiếp nối.

1.6.2 Những câu hỏi có thể đặt ra

  • Tất cả các kết quả của thí nghiệm, khảo sát, có được thảo luận đầy đủ? 

  • Họ có đề xuất gì từ những kết luận của mình không?

  • Bạn có nhận ra xung đột lợi ích nào trong phần kết luận?

1.6.3 Ví dụ về phần kết luận đã đạt các yêu cầu cơ bản

Theo hình 6, kết luận mà tác giả đưa ra đã trả lời được cho câu hỏi nghiên cứu đặt ra, tác giả cũng đã tìm ra tỉ lệ tối ưu để thay thế cát bằng nhựa thải trong vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, bài báo cũng đưa ra đề xuất cho các nghiên cứu sau về quy trình gia công mẫu nhựa nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm và đánh giá về các đặc tính khác của sản phẩm này.

Hình 6. Kết luận và đề xuất của nghiên cứu

1.7 Nguồn tài liệu tham khảo của bài báo

Nguồn tài liệu mà bài báo đã sử dụng cũng thể hiện chất lượng của nó. Tương tự như việc bạn tìm nguồn tài liệu tham khảo, bài báo bạn chọn cũng cần được tham khảo từ những nguồn mới nhất và uy tín. Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • Danh sách tài liệu ngắn hay dài?

  • Tài liệu tham khảo là nguồn chính hay nguồn thứ cấp?

  • Tài liệu tham khảo gần đây hãy đã cũ?

1.7.1 Ví dụ về phần tài liệu tham khảo đã đạt các yêu cầu cơ bản

Theo hình 7, bài báo trên đã sử dụng khoảng 10 tài liệu tham khảo chính. Tài liệu tham khảo xuất bản cách bài báo khoảng từ 15 năm đối với tài liệu về tiêu chuẩn và quy trình từ các Bộ ngành, và khoảng từ 5 đối với tài liệu cần tính cập nhật.

Hình 7. Danh sách tài liệu tham khảo trong bài báo trên

2. Công cụ hỗ trợ đánh giá chất lượng nội dung tài liệu - CRAAP

Để đảm bảo độ tin cậy của nguồn tài liệu không chỉ đối với bài báo khoa học mà còn với hầu hết tài liệu bạn tìm được trên hệ thống Internet, bạn có thể sử dụng công cụ này và cân nhắc 5 vấn đề chính dựa theo phương pháp đánh giá độ tin cậy CRAAP Test:

Hình 8. Bài kiểm tra chất lượng tài liệu CRAAP

Góc luyện tập: Hãy so sánh 2 bài viết sau để làm rõ nội dung trên: 

Tình huống: bạn cần tìm tài liệu về “cách viết đề cương nghiên cứu khoa học”, dưới đây là kết quả từ công cụ tìm kiếm google, hãy dựa vào CRAAP và trả lời đâu là tài liệu đáng tin:

Hình 9. https://yhocbandia.vn/xay-dung-de-cuong-nghien-cuu-khoa-hoc.html

Hình 10. https://luanvan2s.com/xay-dung-de-cuong-nghien-cuu-khoa-hoc-bid72.html

Đáp án:

  • Bài viết từ trang web Y học bản địa đáng tin cậy

  • Bài viết từ trang web Luận văn 2s không đáng tin cậy

3. Kết luận

Việc chọn được bài báo chất lượng và phù hợp để tham khảo ngoài ra cũng phụ thuộc vào yếu tố kinh nghiệm, với những người mới bắt tay vào nghiên cứu, công đoạn này cực kỳ quan trọng để có một nghiên cứu chất lượng và uy tín, hơn nữa nó cũng có thể giúp rút ngắn thời gian thực hiện nghiên cứu. 

Với những phân tích song song với các ví dụ, mình hy vọng bạn đọc đã hình dung những công việc cần làm khi bắt tay vào chọn lọc và nhận định BBKH. Dựa vào những tiêu chí căn bản đưa ra ở trên cùng sự nghiêm túc trong quá trình tìm kiếm tài liệu, mình tin bạn sẽ tìm được những tài liệu nghiên cứu thích hợp cho công tác nghiên cứu của mình.

4. Tài liệu tham khảo:

[1] Borić, Maja, Tjaša Danevčič, and David Stopar. "Prodigiosin from Vibrio sp. DSM 14379; a new UV-protective pigment." Microbial ecology 62.3 (2011): 528.

[2] Is this source or information good?

---------

                                           IV. TẠP CHÍ SĂN MỒI

Tạp chí có IF cao, H-index cao, thuộc hạng Q1, Q2 nhưng vẫn là tạp chí đểu?


Để làm rõ câu trả lời cho câu hỏi này, mình muốn các bạn liên tưởng đến một nhà kinh doanh: số tiền và tài sản có được của một người làm kinh doanh có thể sử dụng để khẳng định tên tuổi và mức độ thành công của họ. Tương tự vậy, đối với một người làm khoa học, số lượng bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín (ví dụ Q1, IF cao,..) là điều làm nên vị trí của họ trong giới khoa học. Sở dĩ có chuyện này vì một khi được đăng tải trên các tạp chí đó nghĩa là bài báo của họ có độ uy tín cao, hàm lượng khoa học cũng cao và chất lượng, dẫn đến nhiều kết quả chẳng hạn như họ sẽ có nhiều người trích dẫn hơn, dễ dàng xin các học bổng hơn, dễ xin kinh phí nghiên cứu hơn, có nhiều offer công việc hơn,... Tóm lại, đối với một người làm khoa học, thì việc xuất bản và xuất bản ở một tạp chí top đầu luôn là ưu tiên và mục tiêu của họ. 

Nguồn ảnh: Internet

Tuy vậy, khi biết được nhu cầu này, nhiều người làm kinh doanh đã nhảy vào nhằm mục đích kiếm tiền từ những người đang "khát khao" có một bài báo quốc tế Q1, Q2, những người đang muốn có danh tiếng thay vì làm nghiên cứu chân chính, những người muốn có chức vụ, có học bổng,.. mà không muốn dành thời gian làm hoặc không đủ thời gian làm,.. Cách thức của những loại "tạp chí săn mồi" này là bằng cách nào đó chúng được xếp vào hàng ngũ tạp chí Q1, Q2, nhưng thay vì những quy trình nộp bản thảo -> reivew -> xuất bản thông thường thì chúng đề nghị tác giả phải trả một số tiền lớn, đổi lại tác giả sẽ được đăng tải trong thời gian rất ngắn như 2-3 tháng thay vì 6 -12 tháng như thông thường, sẽ được review rất sơ xài và thậm chí có khi không cần sửa hoặc không có reviewer thay vì quy trình reivew gắt gao và sửa lỗi - có nguy cơ bị reject cao như thông thường. Một đề xuất rất "thơm" như vậy lại gặp những người đang trong cơn "đói" bài báo quốc tế làm sao có thể cưỡng lại được.

Hệ quả: hệ quả thứ nhất là danh tiếng người làm khoa học đó bị ảnh hưởng. Ngày nay đã có nhiều diễn đàn, trang web kiểm tra đâu là tạp chí săn mồi, nếu chẳng may bạn chọn đăng trên tạp chí săn mồi thì đây rất dễ là vết nhơ trong hồ sơ của bạn vì đây là điều rất tối kỵ và nhạy cảm trong vấn đề liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Hệ quả thứ hai là những người tìm đọc sẽ đọc phải những bài báo không uy tín dẫn đến chất lượng nghiên cứu của họ cũng bị ảnh hưởng theo.

Làm sao để tránh: Hiện nay có một trang web tổng hợp các tạp chí săn mồi bạn có thể tham khảo để tìm xem tạp chí mình đang xem có nằm trong danh sách này hay không và hãy cẩn thận với những tài liệu đó: https://beallslist.net/

Tham khảo thêm về Tạp chí săn mồi tại đây:

- 'Thị trường ngầm' mua bán bài báo khoa học: Công bố trên tạp chí quốc tế 'dỏm'

Thị trường khoa học

Tản mạn về một lần trải nghiệm với MDPI

Cảnh giác với những tạp chí “ăn xổi”

----------

V. QUÀ TẶNG

Ngoài ra các bạn cũng có thể tham gia các khoá học về Viết bài báo và đề cương nghiên cứu uy tín như: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/545104270069743/ để trang bị thêm kỹ năng nghiên cứu khoa học của mình nữa nhé!

-------

Cuối lời, hi vọng với chia sẻ trên các bạn có thể chọn lọc được cho mình những bài báo khoa học uy tín và đáng tin cậy để tham khảo cho nghiên cứu của bạn. Và chúc bạn gặp được nhiều may mắn, thành công trên con đường nghiên cứu của mình!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến