Blog này lập ra vì tôi luôn nhận thức rằng tôi có thể sẽ chết đi bất cứ lúc nào, và vì vậy giây phút nào còn được sống, tôi sẽ còn tiếp tục tạo ra giá trị.
CÙNG ĐI XEM MÚA RỐI NƯỚC - DI SẢN VĂN HOÁ QUỐC GIA
Xin chào mừng mọi người đã quay lại với blog của "một người từng sống", xin chúc mọi người có một ngày cuối tuần thật vui vẻ và hạnh phúc ạ.
Hôm nay mình xin viết bài này để chia sẻ đến mọi người một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và đang chuẩn bị hồ sơ đệ trình lên Ủy ban xét duyệt của UNESCO để được công nhận là Di sản văn hoá của nhân loại: Múa rối nước. Nhân dịp mình vừa được đi xem về, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm mua vé cũng như chia sẻ về trải nghiệm cá nhân của mình khi đi xem tại Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng.
Đôi dòng về lịch sử của múa rối nước
Nghệ thuật múa rối được bắt đầu từ hơn mười thập niên trước ở vùng đồng bằng sông Hồng, nơi mà các dịp lễ tết, hội đàn thường có các tiết mục múa rối nhằm mang tính chất giải trí. Dần dà về sau, rối nước không chỉ dừng lại ở giá trị giải trí mà còn là giá trị văn hoá, giáo dục và thẩm mỹ.
Sinh ra cùng thời với nền văn hoá lúa nước, rối nước mang đậm sự mộc mạc giản dị của người vùng quê, người làm nông, những tiếc mục múa rối vì vậy cũng thường xoay quanh những chủ đề đó, có thể kể đến như: Cấy lúa, câu cá, chăn vịt,... Bên cạnh đó, rối nước còn mang những hình ảnh dân dã trong cuộc sống hằng ngày đến cho người xem như: việc nhà, câu ếch, rắn bắt vịt,... hay là những hình ảnh đậm bản sắc lễ hội như: đu đôi, chọi trâu đua ngựa,..,
Mỗi tiết mục đều gắn liền với một ý nghĩa, một "tích" riêng, chẳng hạn như vở câu cá dưới đây mang nghĩa nhắc nhở rằng: Đánh cá là hoạt động quen thuộc của người nông dân để cải thiện thu nhập và bữa ăn hàng ngày trong gia đình.
Tiết mục Đánh cá
Trong kho tàng trò rối nước của Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục rối hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống hàng ngày của người dân Việt. Các trò diễn thường được mở đầu bằng sự giới thiệu của chú Tiễu.
Để tìm hiểu xem vì sao chú Tiễu được chọn là nhân vật mở đầu hay cơ sở hình thành, các giá trị cụ thể của múa rối nước, bấm vào đây. Hoặc tìm hiểu thêm các hình tượng nhân vật trong múa rối nước và các bài viết khác tại đây
1. Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng - Địa điểm hàng đầu để xem múa rối nước tại TPHCM. Địa chỉ: 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM.
Riêng với Hồ Chí Minh thì sáng nay mình có cơ hội tham gia xem một suất diễn ở Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng. Mình mua vé trên ticket box, giá vé mua là 100.000 cho xuất chiếu 60 phút với nhiều vở diễn khác nhau.
Địa điểm là Cung văn hoá lao động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bãi gửi xe ở phía hồ bơi của Cung văn hoá, trên đường Huyền Trân Công Chúa và sau khi đỗ xe thì cần đi xuyên qua khu thể thao để ra lại đằng trước của sân khấu Rồng Vàng.
Trước khi trình diễn rối nước, chương trình còn tổ chức một số hoạt động cho các bạn nhỏ như màn nhảy của 4 chú hề, phát bong bóng cho các bạn, dặn các bạn phải ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ, hỏi đáp những câu hỏi vui và tặng kẹo cho các bạn,..
Xuyên suốt buổi diễn sẽ bao gồm nhiều tiết mục khác nhau, sẽ được MC giới thiệu và dẫn dắt.
Một số kinh nghiệm khi mua vé xem múa rối là:
1. Nên mua vé sớm để chọn được những chỗ ngồi thích hợp nhất, mình nghĩ những chỗ ngồi được tô xanh dưới đây là những vị trí bạn nên chọn để không ngồi quá gần sân khấu, không bị khuất tầm nhìn bởi người đằng trước và được ngồi ở chính diện của sân khấu. Vì phần âm thanh hơi lớn nên ngồi ở vị trí 6-7-8 là ổn
2. Nên mặc quần áo lịch sự, phù hợp với buổi đi xem múa rối vì đối tượng chính của buổi diễn là các bạn thiếu nhi và các bậc phụ huynh, các cô các bác
3. Nên đi sớm để ổn định chỗ người và tránh ra vào để ảnh hưởng đến những người khác đang xem kịch.
Nhận xét cá nhân
Đây là lần đầu tiên mình được xem múa rối nước, đêm qua thật sự mình đã rất mong chờ và hào hứng để được đến sáng nay đi xem. Và cũng thật đáng với sự mong đợi của mình, các tiết mục rối nước thật sự rất thú vị và mình như được mở mang tầm mắt. Mình đồng thời cũng rất xúc động khi thấy được sự nỗ lực của các anh chị, cô chú nghệ sỹ đang cố gắng để thu hút người xem, để giữ gìn nét văn hoá đẹp đẽ này của dân tộc.
Ngoài ra còn một điều bất ngờ là số lượng người tham gia cũng rất đông, khán đài chứa được khoảng 150 người và tối hôm qua khi mình tình cờ bấm vào xem chỗ trống thì hoàn toàn đã kín chỗ. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho sự nghiệp xây dựng và gìn giữ nét đẹp rối nước Việt Nam ta. Ngoài ra mình còn được biết các sân khấu rối nước ở Hà Nội cũng luôn trong tình trạng kín chỗ và rất khó mua vé.
Tuy vậy, cũng không tránh được những chi tiết mà nếu được cải thiện mình nghĩ sẽ còn tốt hơn, đó là phần âm thanh. Mình nghĩa sự thành công của rối nước cũng do một phần của âm nhạc gồm người hát và người chơi các loại nhạc cụ trống kèn,.. nhưng thật tiếc là lần này mình không được xem trình diễn âm nhạc trực tiếp mà là nghe những đoạn nhạc đã được thu trước. Vấn đề cũng không là gì nếu phần âm thanh của sân khấu không quá to, khó nghe và hầu như mình chỉ hiểu được chưa đến 50% nội dung của đoạn nhạc dù mình đã rất muốn nghe và cố để nghe.
Và một lưu ý khác là sân khấu rối nước này đối tượng chính là các bạn nhỏ từ mầm non đến cấp 1 nên chương trình chỉ có những hoạt động để tương tác với các bạn nhỏ thôi, vậy nên riêng mình hi vọng sẽ có cơ hội đến sân khấu dành cho mọi lứa tuổi hơn.
Mình đã một lần được xem múa rối cạn ở nhà hát quốc gia cộng hoà Séc, so sánh giữa hai loại múa rối thì riêng mình thích rối cạn hơn vì nó có cốt truyện liền mạch và cuốn hút hơn, nhân vật được tạo hình cũng có biểu cảm đa dạng và các màng kịch cũng được thiết kế kỳ công hơn nữa, vì vậy mà cũng mang lại cho mình nhiều cảm xúc hơn khi xem. Tuy vậy không thể phủ nhận được sự độc đáo và sáng tạo của múa rối nước của Việt Nam ta.
Múa rối cạn của cộng hoà Séc được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới
Tiết mục Múa bát tiên
Lời kết, qua trải nghiệm ngày hôm nay, mình thật sự nghĩ đây là trải nghiệm mà bạn nên thử một lần, không chỉ vì những ý nghĩa, giá trị mà nó mang lại mà còn để hiểu biết hơn về văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Hi vọng với chia sẻ trên có thể giúp cho mọi người có trải ngiệm đi xem rối nước trong thời gian tới thật vui và trọn vẹn nhé!
Chào thân ái!
-----
Mọi người ơi, nếu bạn đang muốn đăng bình luận hãy vui lòng dành vài giây để chắc chắn bình luận của bạn đã được hiển thị nha!
Vì mình rất quý bình luận của mọi người nhưng có một số trường hợp bình luận không hiển thị làm mình không biết rằng ai đó đã quan tâm và bình luận bài của mình ở dưới đây, điều đó thật sự rất đáng tiếc. Và cũng xin lỗi vì sự bất tiện này!
Chân thành cảm ơn mọi người đã dành thời gian cho Blog của một người từng sống ạ!
Nhận xét
Đăng nhận xét
Mọi người ơi, nếu bạn đang muốn đăng bình luận hãy vui lòng dành vài giây để chắc chắn bình luận của bạn đã được hiển thị nha!
Vì mình rất quý bình luận của mọi người nhưng có một số trường hợp bình luận không hiển thị làm mình không biết rằng ai đó đã quan tâm và bình luận bài của mình ở dưới đây, điều đó thật sự rất đáng tiếc.
Chân thành cảm ơn mọi người đã dành thời gian cho Blog của một người từng sống ạ!